Loading...
Cộng đồng thiền Việt Nam

Chi hội phát triển cộng đồng thiền Việt Nam

Cộng đồng thiền Việt Nam

image-alt-text

Luân xa (P7): Việc khai mở các luân xa

Luân xa (P7): Việc khai mở các luân xa

14:40 18/09/2017

Việc khai mở một luân xa là một quá trình dài trải qua nhiều kiếp sống, từ giai đoạn luân xa gần như yên tỉnh không hoạt động đến giai đoạn thứ 5 trải qua hằng triệu năm. Người đạo sinh nên thực hành tinh luyện ba thể, phụng sự, và mở lòng bác ái. Tự khắc các luân xa sẽ khai mở một cách tự nhiên.

I. Việc khai mở các luân xa

Chúng ta đã xem xét qua hệ thống các luân xa, sự chuyển dịch năng lượng từ luân xa thấp lên luân xa cao. Trong phần nầy ta tiếp tục nghiên cứu quá trình khai mở các luân xa. Phần nầy được viết dựa theo quyển A Treatise on White Magic của đức D.K trang 190-211.

Như phần II đã giới thiệu, việc khai mở một luân xa là một quá trình dài trải qua nhiều kiếp sống, từ giai đoạn luân xa gần như yên tỉnh không hoạt động đến giai đoạn thứ 5 trải qua hằng triệu năm. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu việc khai mở luân xa xảy ra một cách vô thức và rất chậm chạp. Tuy nhiên càng về sau việc khai mở luân xa nhanh hơn, nhất là khi con người bước vào đường đạo. Trong phần nầy ta sẽ tìm hiểu việc khai mở luân xa của người đệ tử trên đường đạo như thế nào.

1. Các luân xa hiện đang khai mở mạnh nhất trong con người:

Ba luân xa dưới hòanh cách mô:
– Luân xa gốc
– Luân xa xương cùng
– Luân xa tùng thái dương
Đây là ba luân xa hoạt động mạnh nhất trong một thường nhân hiện nay. Các luân xa nầy cần phải được kiểm soát và điều chỉnh lại từ trạng thái tích cực sang thụ động.

Tương tự như thế các luân xa trên hoành cách mô:
– Luân xa tim
– Luân xa cuống họng
– Luân xa Ajna
– Luân xa đỉnh đầu
Đây là những luân xa kém hoạt đông nhất, phải được khai mở và đưa từ trạng thái thụ động sang tích cực.

2. Có hai cách để thực hiện điều này:

– Chuyển dịch năng lượng dương của các luân xa thấp lên luân xa cao.
– Khai mở luân xa đỉnh đầu bằng cách thể hiện hoạt động của ý chí.

Điều đầu tiên được thực hiện bằng cách thanh lọc ba thể của phàm ngã.
– Thanh lọc thể xác bằng cách chăm sóc cơ thể sạch sẽ và nuôi dưỡng nó bằng thức ăn tinh khiết, ít từ điển xấu.
– Tinh lọc thể tình cảm bằng cách kiểm soát dục vọng, nuôi dưỡng tính tốt (character building- lập hạnh), thực hành chánh ngữ.
– Thanh lọc thể trí bằng suy nghĩ chân chánh, hay như Phật dạy, là chánh tư duy.

Khi các luân xa thấp khai mở chúng sẽ tác động lên luân xa đỉnh đầu và nó cũng bắt đầu khai mở dần. Đức D.K dạy rằng việc khai mở luân xa là một tiến trình hai chiều. Khi con người tiến hóa, thanh lọc các thể (thể xác, thể tình cảm và thể trí) thì các luân xa tương ứng sẽ dần khai mở.

Đến một giai đoạn tiến hoá nào đó thì Chân Ngã hay Linh hồn của chúng ta sẽ tác động ngược lại lên các luân xa thấp thông qua luân xa đỉnh đầu. Năng lượng của Chân ngã sẽ tuôn xuống các luân xa thấp, kích thích và khai mở chúng, chuyển di năng lượng của chúng lên các luân xa cao. Việc khai mở luân xa đỉnh đầu được thực hiện bằng cách tham thiền đều đặn, và bằng cách thể hiện ý chí trong đời sống hằng ngày của chúng ta như tổ chức cuộc sống một cách có tổ chức và kỷ luật. Đức D.K nói rằng những lời dạy của các tôn giáo như sống trong sạch, rèn tính tốt, kiểm soát dục vọng và suy nghĩ chơn chánh giờ đã thành sáo ngữ, đã mất ý nghĩa quan trọng của nó. Nhưng thực ra đó là phương pháp căn bản nhất để khai mở luân xa. Yoga Sutra của Patanjali cũng bắt đầu huấn thị về Yoga bằng cách nêu ra năm giới cấm và năm giới tuân thủ (Yama và Niyama).

Lập hạnh, xây dựng tính tốt, sống trong sách, kiểm sóat các xúc cảm, suy nghĩ chân chánh là những sáo ngữ của tất cả tôn giáo, chúng đã đánh mất sức mạnh của chúng bởi vì chúng ta quá quen thuộc với chúng. Không dễ gì để nhớ rằng khi chúng ta sống một cách thanh khiết và đúng đắn, thực ra chúng ta đang đích thực làm việc với các mãnh lực, chinh phục các năng lượng cho nhu cầu của chúng ta, kiểm soát các hành khí (elemental lives) phục vụ các nhu cầu của bản thể tinh thần (spiritual being), kích hoạt bộ máy và cấu trúc sinh lực cho đến nay vẫn còn tiềm tàng, thụ động. Tuy nhiên, điều sau đây vẫn đúng, khi mà các năng lượng tiềm tàng ở đáy cột sống được đưa lên đầu và được mang đến luân xa giữa hai lông mày (xuyên qua luân xa tùng thái dương vốn là kho thu thập và phân phối năng lượng, và hành tủy). Bấy giờ phàm-ngã, tức khía cạnh vật chất, đạt đến tuyệt đỉnh của nó, và Trinh Nữ Mary (Virgin Mary) – hiểu theo ý nghĩa cá nhân, vốn là một thực thể tương ứng hữu hạn với Thực Tại vô hạn − được “đưa đến Thiên Đường” để ngồi ở đó, bên cạnh con trai của mình, tức Đấng Christ, hay linh hồn.

Khi các năng lượng của luân xa xương cùng, từ trước đến nay được tập trung vào hoạt động sáng tạo vật chất và sinh sản, và vì thế là nguồn gốc của đời sống tính dục và mối quan tâm vật chất ở cõi trần được thăng hoa, tái định hướng, và chuyển di đến luân xa cổ họng, bấy giờ người tìm đạo trở thành một mãnh lực sáng tạo hữu thức trong các cõi giới cao; y tiến vào bên trong bức màn che, và bắt đầu tạo tác các mô hình của những sự vật vốn cuối cùng sẽ mang lại các cõi trời và đất mới.

Khi các năng lượng của luân xa tùng thái dương – là các biểu hiện từ trước đến giờ của bản chất dục vọng mạnh mẽ, nuôi dưỡng đời sống tình cảm của phàm-ngã – cũng được chuyển hóa và được tái định hướng, sau đó chúng được đưa đến luân xa tim, tạo ra nhận thức về tâm thức nhóm, về lòng bác ái nhóm và mục đích nhóm, làm cho người chí nguyện trở thành một người phụng sự nhân loại và một người cộng tác thích hợp của các vị Huynh-Trưởng của nhân loại.

Đức D.K cũng nói rằng có nhiều trường phái mà Ngài gọi là “forcing schools”, dạy người học đạo một cách bất cập, bỏ qua giai đoạn phát triển trí tuệ để đi thẳng từ cõi giới tình cảm đến cõi giới trực giác. Ngài nói điều nầy dẫn đến sự nguy hiểm của sự cả tin, đến việc giải thích sai lạc những hiện tượng của những cõi giới cao. Và kết quả là người học đạo thiếu sự nhận biết đúng đắn giá trị của sự vật, đánh giá quá cao những cái không thiết yếu và không nắm bắt được chân giá trị của những hiện thực tinh thần. Đó là lý do tại sao người ta phải trở nhà huyền bí học nếu muốn tiến bước trên con đường đạo. Trở thành nhà thần bí học (mystic) chưa đủ để đi đến đích cuối cùng.

Đức D.K cũng thêm rằng trong những trường hợp phát triển cưỡng bức đi tắt ngang như thế thì năng lượng cũng có thể tuôn vào các luân xa, nhưng bởi vì con người thiếu một sự dẫn dắt thông tuệ nên năng lượng có thể bị rối loạn, dẫn đến những trường hợp đáng buồn. Ngài liệt kê ra những trường hợp như thế: con người phát triển quá mạnh phàm ngã của mình, những tín đồ mê tín dị đoan, những người quá tôn sùng cả tin vào những vị lãnh đạo, những người cuồng tín thiếu quân bình, những đầu óc lệch lạc nhận vơ vào mình những quyền năng chẳng phải của mình. Những người nam và nữ làm nô lệ cho cảm xúc (astralism), hoặc bước đi trong bức màn ảo tưởng rằng họ khác xa với những người xung quanh, và xem mình như cao tột hơn đồng loại bậc trung của họ. Và như thế họ đã phạm vào tội lỗi chia rẽ phân biệt. Thêm vào đó là trường hợp những người bị hư hỏng về tính dục (sex perversion) do sự kích thích quá mức luân xa xương cùng; những trường hợp rối loạn thần kinh chức năng, hoặc quá nhạy cảm (over-sensitivity and emotionalism), gây ra do sự phát triển quá độ luân xa tùng thái dương. Cuối cùng có những trường hợp bị điên loạn gây ra do sự phát triển quá mức của các tế bào não bởi vì tham thiền không cách. Do đó bạn sẽ hiểu tại sao chúng ta phải đi chậm và đồng thời phải phát triển trí tuệ cùng với bản chất tinh thần của chúng ta.

Người đạo sinh bậc trung bắt đầu bằng cách nhận thức rằng y có các luân xa, và y cũng mong muốn tinh luyện tính tình của mình. Những người hiểu biết sẽ thuyết phục y hiểu rằng nếu y nỗ lực, tham thiền, nghiên cứu và phụng sự, chắc chắn sẽ có những chuyển biến bên trong y, tự trong sâu thẳm của bản thân y một sự thức tỉnh năng động sẽ nảy sinh. Y sẽ được dạy rằng sau đó đời sống tinh thần chủ thể sẽ tuôn dậy và làm chủ trong y. Đời sống tinh thần nầy sẽ tư thể hiện như là năng lượng thiêng liêng, xuyên qua thể năng lượng của y, và năng lượng nầy sẽ thay đổi trọng tâm của đời sống của y, tạo ra những những hiệu quả năng động và từ điện để thu hút và nâng cao nhan loại. Bản chất của năng lượng nầy là thất phân và sử dụng bảy điểm tập trung năng lượng trong y như là tác nhan trung gian của nó

Luân xa đầu tiên mà người học đạo tìm cách kích hoạt một cách có ý thức là luân xa tim. Y phải học hỏi để phát triển ý thức tập thể (group conscious), nhạy cảm với các lý tưởng của nhóm; trong kế hoạch và các ý niệm y phải mở rộng ra và bao trùm (inclusive). Y phải học hỏi để yêu thương một cách tinh khiết và tập thể, chứ không vì bởi sự thu hút phàm ngã hay vì động cơ được tưởng thưởng. Cho đến khi luân xa nầy phát triên y không thể được tin cậy để sử dụng quyền lực sáng tạo của luân xa cuống họng, vì khi đó nó chỉ phục vụ cho những tham vọng cá nhân.

Ở đây ta cần lưu ý rằng không một sự khai mở luân xa nào ở đây có thể được tiếp cận từ quan điểm hoàn toàn thụ động tỉnh tại hay từ góc độ một sự khai phá hoàn toàn mới. Tất cả chúng ta đều trong quá trình tiến hoá. Một vài khía cạnh của hệ thống luân xa chúng ta đã khai mở, nhưng chỉ biểu hiện trong mối quan hệ với hình thể vật chất chứ chưa thể hiện những đặc tính của linh hồn. Đằng sau chúng ta là một quá khứ dài thành công. Không một ai trong chúng ta hoàn toàn ích kỷ hoặc chia rẻ. Xã hội nhân loại ngày nay là một khối kết dính và phụ thuộc lẫn nhau. Nhân loại như một toàn thể ngày nay đã làm được nhiều điều trong việc kích mở luân xa tim hoạt động phần nào, và đang khai mở vài khía cạnh quan trọng của luân xa cuống họng.

Vấn đề của nhiêu đạo sinh ngày nay là luân xa tùng thái dương, vì nó là luân xa mở nhiều nhất, hầu như đã khai mở hoàn toàn. Tuy nhiên tiến trình chuyển hoá năng lượng cũng diễn ra đồng thời, dẫn đến nhiều khó khăn và rối loạn. Luân xa tim đang bắt đầu rung động nhưng vẫn chưa thức tỉnh, còn luân xa cuống họng thì thường xuyên thức tỉnh quá sớm do sự chuyển dịch của năng lượng từ luân xa xương cùng. Điều nầy có nhiều nguyên do. Đôi khi do những ước vọng mục đích tinh thần. Nhưng đa phần điều nầy là do việc chối bỏ một đời sống tình dục bình thường vì nhiều lý do: do điều kiện kinh tế hoặc do thiếu sinh lực thể chất dẫn đến khuynh hướng độc thân.

Việc thiếu sinh lực nầy đến lượt mình lại có nhiều nguyên do, nhưng chủ yếu do quá trình di truyền lâu dài gây ra sự thoái hoá của thể xác, hoặc do sự bị ép buộc sống độc thân trong những kiếp trước, sự độc thân ép buộc nầy thường là hậu quả của đời sống tự viện và một đời sống thần bí (mysticism). Khi năng lượng sáng tạo nầy tìm cách thể hiện trong bất kỳ ngành nghệ thuật nào như văn chương, hội hoạ, hay âm nhạc, hoặc trong việc điều hành hoặc tổ chức nhóm hội, nó sẽ không dẫn đến tác hại nào vì nó tìm được lối thoát sáng tạo binh thường. Những đạo sinh cần nhớ những điều nầy. Y đang phải đối mặt một vấn đề phức tạp. Y mù loà bước vào một tình huống vốn là hậu quả của một quá trình dài tiến hoá mà y không có chìa khoá nào để mở. Điều nầy đặc biệt xảy ra trong những giai đoạn đầu trước lần điểm đạo thứ nhất, bởi vì y không có bất kỳ sự hiểu biết nào về quá khứ cũng như tương lai. Y chỉ đơn giản nắm lấy khí cụ và cơ hội của mình và cố làm tốt nhất những gì có thể, với sự hướng dẫn của những qui luật cổ xưa của Raja Yoga và dưới ánh sang của linh hồn y.

Khi luân xa tim đã khai mở và luân xa cuống họng bắt đầu hoạt động thì có một sự tương tác xác định xảy ra giữa hai luân xa. Điều nầy dẫn đến một sự đáp ứng từ luân xa đỉnh đầu ngàn cánh. Từ luân xa ngàn cánh nầy năng lượng thường xuyên tuôn chảy để kích hoạt các luân xa cuống họng và luân xa tim. Toàn bộ điều nầy dẫn đến hai kết quả cần phải lưu ý cẩn thận.

Thứ nhất là sự xuất hiện của ánh sáng trong đầu (Light in the head). Một tia sáng loé lên (nếu tôi có thể mô tả như thế) giữa năng lượng dương từ trên cao tập trung trong hình thể của luân xa ngàn cánh và rung động nâng cao dần của các luân xa tim và luân xa cuống họng. Các luân xa nầy đến phiên mình lại đáp ứng với các năng lượng dâng lên từ luân xa dưới hoành cách mô.

Thứ hai, luân xa giữa hai chân mày cũng bắt đầu hoạt động. Nó tượng trưng cho sự hợp nhất giữa linh hồn và thể xác, giữa chủ thể và ngoại thể. Trong một vài sách huyền linh học nó được gọi là hoa sen chín mươi sáu cánh, nhưng thật ra danh xưng đó đề cập đến sự phân hóa năng lượng của hai cánh hoa sen. Ta cần lưu ý rằng tổng số cánh của các luân xa dưới luân xa Ajna là 48 cánh (4+6+10+12+16=48). 48 năng lượng nầy trong hai khía cạnh năng lượng hồng trần và linh hồn tạo thành 48×2=96 khía cạnh hay rung động của hai cánh hoa của luân xa Ajna. Ta cần lưu ý rằng từ cánh hoa biểu tượng cho mãnh lực và hiệu quả của nó trong vật chất.

Do đó luân xa Ajna là tổng hợp của năm luân xa trên cột sống với tổng số 48 cánh. Về mặt biểu tượng học ta có:

Luân xa đáy cột sống  4 cánh
Luân xa xương cùng  6 cánh
Luân xa tùng thái dương  10 cánh
Luân xa tim  12 cánh
Luân xa cuống họng  16 cánh
Tổng cộng 5 luân xa 48 cánh
Ajna 2 cánh
= 50 cánh = 5 x 10

10 là số hoàn thiện (perfection) và 5 là số của phàm ngã. Do đó con số 50 là con số của phàm ngã hoàn thiện.

Đức D.K dạy rằng trong việc khai mở các luân xa người đạo sinh đang làm việc các mãnh lực (forces) hay năng lượng bên trong y. Điều nầy cần có sự hiểu biết về các luân xa và cách khai mở chúng. Nhưng hiểu biết phải đến trước và việc khai mở sẽ đến sau.

Việc khai mở các luân xa có thể chia làm hai giai đoạn.

– Giai đoạn đầu người đạo sinh cứ tinh luyện ba thể bằng một đời sống kỷ luật, đương nhiên các luân xa sẽ tự động hoạt động một cách đúng đắn và khai mở dần. Trong giai đoạn nầy người đạo sinh không tập trung chút nào đến các luân xa cả. Y chỉ quan tâm đến việc tinh luyện ba thể của y: thể xác, thể tình cảm và thể trí. Như thế y đang tác động gián tiếp lên các luân xa thông qua vật chất xung quanh các luân xa đó. Điều nầy là phương thức an toàn nhất và không có gì rủi ro trong giai đoạn nầy cả. Đây là cách mà phần đông đạo sinh noi theo hiện nay và cả trong một thời gian dài sắp đế.

– Kế đến, khi các luân xa của người đạo sinh đã phát triển đến một mức độ nào đó thì y có thể được một huấn sư chỉ dạy cách thức khai mở luân xa một cách khoa học. Cách thức nầy thay đổi tùy theo cung của phàm ngã và của chơn ngã của người đạo sinh. Do đó đây là một phương cách phức tạp và không thể đưa ra một qui tắc chung cho mọi người.

Nhưng điều tiên quyết là người đạo sinh đã tinh lọc ba thể của y đến một mức độ nào đó, đồng thời y cũng không có các khuyết tật gì về thể xác hay mắc bệnh tật nào. Đức D.K nói rằng trong 1000 đạo sinh may ra chỉ có một người có thể bắt đầu khai mở luân xa theo phương pháp thứ hai. Do đó tốt nhất là người đạo sinh nên thực hành tinh luyện ba thể, phụng sự, và mở lòng bác ái. Tự khắc các luân xa sẽ khai mở một cách tự nhiên. Việc nầy tuy chậm mà chắc chắn và an toàn, và đôi khi còn nhanh hơn phương pháp còn lại.

3. Các phương pháp khai mở luân xa

1. Lập hạnh (Character building – Xây dựng đức hạnh) – điều kiện tiên quyết
2. Động cơ đúng đắn
3. Phụng sự
4. Tham thiền
5. Nghiên cứu về khoa học các luân xa
6. Các phương pháp thở.
7. Học về kỹ thuật sử dụng ý chí
8. Phát triển quyền năng sử dụng thời gian
9. Khơi hoạt luồng hỏa Kundalini

Lập hạnh: Đối với Chân sư thì tất cả đều là năng lượng. Cái mà chúng ta gọi thói xấu hay tính tốt đều là thể hiện của một loại năng lượng nào đó. Tính xấu (vices) là năng lượng hay mãnh lực của ba thể của chúng ta, còn đức tính tốt (virtues) là năng lượng xuất phát từ linh hồn. Do đó “character building” hay lập hạnh là thay thế năng lượng của ba thể phàm ngã (tính xấu – vices) bằng năng lượng của linh hồn (đức tính). Đức D.K dạy rằng điều kiện tiên quyết của việc khai mở luân xa là lập hạnh. Đây là cái giúp chúng ta phân biệt giữa chánh và tà. Có những người dạy thiền mở luân xa mà vẫn uống rượu hoặc vướng vào các thói hư tật xấu, thì chắc chắn đó không phải là phương pháp đúng đắn.

Động cơ đúng đắn: Người đạo sinh khi học đạo phải có một động cơ đúng đắn, và động cơ là một diễn trình tiến hóa liên tục. Thí dụ bước đầu y lập hạnh chỉ vì yêu mến hoặc nghe theo lời một vị huấn sư hoặc một người thân thiết mà y yêu mến. Kế đến y phụng sự chân sư của y và muốn noi theo bước chân của các Ngài. Y nỗ lực hết sức để phụng sự các Ngài. Rồi dần dần y tiến đến phụng sự toàn thể nhân loại, lòng nhiệt thành phụng sự chân sư của y chìm dưới lòng yêu mến và phụng sư nhân loại. Kế đến nữa y cảm nhận được Thiên cơ và cái Thiên ý chi phối sự tiến hóa của vũ trụ. Y biến mình thành vận hà xuyên qua đó thể hiện Thiên Cơ và Thiên ý.

Phụng sự: Khi đã có động cơ đúng đắn thì người đạo sinh cũng bắt đầu công việc phụng sự của mình. Hai bước nầy đi song song với nhau. Trước tiên y phụng sự người mà y thương mến, kế đến là gia đình và tổ quốc của y. Kế đến là phụng sự Chân sư và Ashram của Ngài, và từ đó phụng sự nhân loại. Cuối cùng là việc phụng sự Thiên Cơ và Thiên ý.

Tham thiền: Đức D.K đặt tham thiền ở bước thứ tư, sau lập hạnh, động cơ đúng đắn và phụng sự. Bợi vì nếu thiếu ba yếu tố kể trên việc tham thiền trở thành nguy hiểm, bởi vì khi đó tham thiền chỉ khơi hoạt các năng lượng xấu xa trong con người y.

Nghiên cứu về khoa học các luân xa: Đây là chủ đề của những gì ta đang làm hiên nay.

Phương pháp thở: Đức D.K nói rằng chúng ta không nên nghi ngờ về hiệu quả của các phương pháp thở. Giống như ăn và uống có hiệu quả rõ rệt lên thể xác con người, phương pháp thở cũng tác động mạnh lên các thể thanh của chúng ta nếu thực hành trong một thời gian đủ dài. Đức D.K cũng nhấn mạnh rằng chúng ta chỉ có thể áp dụng các phương pháp thở một cách an toàn chỉ khi nào chúng ta đã nỗ lực duy trì một đời sống tiết điệu hằng ngày.
Ngài cũng nói rằng đa phần chúng ta chỉ ở giai đoạn 3 hoặc 4 và chỉ bắt đầu bước vào giai đoạn 5 của 9 giai đoạn trên. Do đó khi chúng ta đã làm tốt các giai đoạn đầu thì tự khắc chúng ta sẽ được chỉ dạy các giai đoạn còn lại.

Kết luận:

Trong những chỉ dạy của đức D.K chúng ta không thấy nói đến mở luân xa nhờ ngoại lực, nghĩa là nhờ một vị thầy khai mở luân xa cho chúng ta.
Điều kiện tiên quyết để mở luân xa là lập hạnh, phụng sự, và động cơ đúng đắn.
Việc khai mở luân xa là một quá trình dài và khoa học, không có một phương pháp chung cho mọi người.
Ngài khuyên chúng ta tuyệt đối không bao giờ tập trung tư tưởng lên luân xa nào trên cột sống, mà tất cả phương pháp tham thiền của chúng ta đều tập trung trong luân xa đỉnh đầu.

Đối với người học đạo phương pháp lập hạnh, phụng sự là phương pháp an toàn và tốt nhất để khai mở luân xa.

Nguồn: Minh triết mới


Có thể bạn quan tâm

Xem tất cả

Đăng ký hướng dẫn Thiền cơ bản

Loading...
Logo-vmc
TRUNG TÂM THIỀN ĐỊNH:
- Số 116 Trần Vỹ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
Chị Khánh:  

‎0981956875

Chị Thủy:  

‎0981956820

Facebook:

facebook.com/congdongthienVietNam

TIN TỨC NỔI BẬT

© 2024 Copyright by IT AUM